Trong đời sống Bò_Bảy_Núi

Đua bò

Lễ hội đua bò là một trong những lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ và cũng là cuộc đua có một không hai ở Việt Nam, thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ trong và ngoài khu vực đến xem và cổ vũ cho cuộc đua[11] Đua bò là lễ hội đua bò Bảy Núi có những nét đặc sắc riêng gắn liền với chùa chiền, diễn ra trong dịp lễ cúng ông bà với quy tắc chơi khá hoàn chỉnh. Người điều khiển dùng vật nhọn làm con bò chảy máu, đây là một trong những nghi lễ mang sắc thái Saman giáo xa xưa liên quan đến tế thần rừng của người Khmer, vì Bảy Núi là vùng rừng núi, việc gây máu chảy trên thân bò trong hoạt động đua bò chính là vết tích nghi thức ma thuật tưới máu trên cánh đồng với ý nghĩa để ruộng lúa được màu mỡ[7]

Cách đua không giống như đua ngựa, mà là "đua bò bừa", tức đôi bò có kéo theo cái bừa nhỏ – một trong những nông cụ làm đất chủ yếu của nghề trồng lúa nước địa phương[9] Đây là sân chơi của 60-70 đôi bò xuất sắc được tuyển chọn từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống, nên chất lượng đua rất cao. Đến lễ Donta là đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) tổ chức đua bò truyền thống. với sự tham dự của 64 đôi bò là nhà vô địch vòng đấu cơ sở tại 3 địa phương có đông đồng bào Khmer Nam Bộ sinh sống: An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng và tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia) cũng tham gia thi đấu[14]. Tại phum, sóc, cuộc so tài giữa hai đôi bò diễn ra trong 7 vòng chạy quanh sân đua, gồm 6 vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và 1 vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất).

Hiện nay, nạn khai thác áp đặt đã để các yếu tố kinh tế "thế dần" chất văn hoá trong loại hình sinh hoạt cổ truyền độc đáo của đồng bào Khmer. Từ nhiều năm qua, sắc màu bạo lực với nhiều cảnh tượng sặc mùi xã hội đen. Không chỉ tranh cãi, hay dùng lời lẽ thô tục chửi mắng, đe dọa trọng tài, hay Ban Tổ chức, các chủ bò cũng không chút ngại ngần trong việc dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn cá nhân ngay giữa sân đấu. Ban Tổ chức lại không sắp xếp sau khâu soát vé vào sân, nên buộc lòng khán giả phải tự chen lấn tranh giành, cự cãi để kiếm được chỗ đứng. Nạn khán giả tràn xuống sân, lấn hẳn ra đường đua, nạn chen lấn, xô đẩy của người xem, của lực lượng nhiếp ảnh thái quá gây hoảng loạn cho các đôi bò đang tranh tài[4]. Từ khi được nâng cấp tổ chức thành lễ hội, chỉ còn 2 hô, 1 vòng thả. Rồi từ năm 2011 tất cả chỉ gom lại còn 1 vòng[4].

Kéo xe

Bò bảy núi kéo xe ở núi Bà ĐenBò Bảy Núi đang kéo xe chuyên chở hàng hóa

Tại An Giang là tỉnh thứ hai sau Trà Vinh là nơi có đàn bò đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (khoảng trên 80.000 con). Chỉ riêng vùng Bảy Núi, đàn trâu bò cũng lên tới 50.000 con. Đa số người dân vùng Bảy Núi chủ yếu sống bằng nghề nông-lâm kết hợp và thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, cây củi ra chợ mua bán, trao đổi. Phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa phổ biến của bà con vùng này là xe ngựa và xe bò Bảy Núi. Suốt gần một thế kỷ trôi qua, người dân ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn đã gắn bó thân thiết với con bò kéo xe.

Khi đến Bảy Núi tỉnh An Giang, dễ bắt gặp nhất là hình ảnh những cỗ xe bò, xe ngựa kéo trang trí đẹp mắt, đủng đỉnh đi trên đường cùng với các loại phương tiện khác. Bởi thế, cái tên xe bò Bảy Núi trở thành câu cửa miệng quen gọi, thân thương không chỉ với người dân nơi đây, mà còn cả với du khách. Những cỗ xe bò Bảy Núi của người Khơme có tay cầm lái dài và cong vút được trạm trổ rất cầu kỳ và mang nặng yếu tố tâm linh. Còn xe bò thì chở nặng hơn có thể đi trên ruộng và cả lộ xe một cách an toàn[15].

Ẩm thực

Ở Núi Sam, Châu Đốc có một đặc sản nổi tiếng là Bò bảy món núi Sam, món này không được bày bán trong nhà hàng hoặc các quán địa phương. Bò bảy món gồm lòng bò luộc, bò đun, bánh hỏi; cháo đầu bò; bò khía bánh mì; bò xào lá vang; bò bít tết hoặc bò lúc lắc. Để nấu bò bảy món, người thợ ít khi ra chợ mua thịt làm sẵn, mà phải mua nguyên con bò còn sống và là bò tơ. Làm bò xong, người thợ dùng rơm thui cho da bò săn lại gọi là bê thui, miếng thịt còn cả da ăn mới ngọt và bùi.

Món dùng đầu tiên trong bò bảy món là lòng bò luộc. Lòng bò vốn dai và khó tiêu, nên người thợ nấu phải luộc nó với một bí quyết sau khi luộc lòng bò mềm, người ta nhúng vào một dung dịch pha riêng cho lòng bò săn lại, món lòng bò Núi Sam nổi tiếng vì hai đặc tính mềm và giòn. Đĩa nước mắm chấm lòng bò phải là mắm nêm có trộn với khóm (dứa) băm nhuyễn theo nguyên lý âm dương, lòng bò luộc ăn cặp với rau sống, dưa leo thì khó tiêu; kèm với khóm cho dễ tiêu, do khóm có chất bromelin phân giải các tế bào protein của động vật).

Thịt bò xào với lá vang. Ăn thịt bò xào lá vang phải dùng nước chấm phù hợp: Tương hột băm nhuyễn nêm gia vị, trộn với sả băm nhỏ cho dễ tiêu. Cốt lõi của món này là ở lá vang. Thịt bò xào lá vang miệt Nhà Bàn, Tịnh Biên thì khẩu vị hơi khác, còn dùng lá vang miệt miền đông Thủ Đức-Biên Hòa lại có mùi vị khác. Cùng với các món khác, món lòng bò và bò xào lá vang đã tạo cho bò bảy món Núi Sam những hương vị riêng biệt[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bò_Bảy_Núi http://www.dulichthu-dong.com/tindulich_chitiet.ph... http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/le-ho... http://laodong.com.vn/phong-su/chet-truoc-cua-thie... http://laodong.com.vn/phong-su/dua-bo-bay-nui-ben-... http://laodong.com.vn/phong-su/dua-bo-bay-nui-cang... http://laodong.com.vn/the-thao/soi-dong-le-hoi-dua... http://thuonghieu24h.com.vn/bo-bay-nui-sam-mon-ngo... http://www.tintucmientay.com.vn/Kham-pha-mien-tay/... http://danviet.vn/net-viet/cam-nhan-ve-hinh-thuc-t... http://www.angiang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_S...